Bình Dương hướng tới phát triển đô thị thông minh và đổi mới sáng tạo - Bến Cát sẽ lên thành phố trong năm 2023
Các đô thị giữ vai trò chủ động trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đổi mới sáng tạo trong quản lý đô thị, có môi trường sống lành mạnh, thân thiện và có bản sắc riêng. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Là tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị nên Bình Dương đứng trước áp lực về đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù, trong quản lý phát triển đô thị, tỉnh đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị của tỉnh cũng như các đô thị trực thuộc. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cao cùng với sự gia tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị (đặc biệt là khó khăn trong tạo lập quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giáo dục, y tế, văn hóa).
Theo TS Trần Du Lịch, Bình Dương không thể phát triển lên cao và tự đứng, đi một mình, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau. Theo đó, cần có cơ chế liên kết vùng để tạo ra một cộng đồng phát triển năng động nhất của cả nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng, kết nối đường vành đai 3 và 4 với thành phố Hồ Chí Minh, đẩy nhanh xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, để tạo ra đường băng cho cuộc đua giúp Bình Dương tăng tốc phát triển.
Bến Cát và Tân Uyên lên thành phố năm 2023
Trước mắt, năm 2023 thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Năm 2025, Bình Dương nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 85%, đến năm 2030 đạt trên 85%. Đến năm 2025 các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương và thị trấn Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại IV, các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đồng thời đến năm 2030, các đô thị Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) được công nhận đạt đô thị loại IV và xã Minh Hoà (huyện Dầu Tiếng) được công nhận đạt đô thị loại V.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đưa ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương gồm: tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi đạt 70%; tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%; tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%; 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT; 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh; 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.
Đến năm 2045, Bình Dương quản lý quá trình đô thị theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, đảm bảo an toàn và trật tự đô thị.
Theo TS Trần Du Lịch, để thực hiện kế hoạch phát triển đô thị nêu trên, Bình Dương cần thực hiện ngay việc xây dựng đường Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 TP. HCM và cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Đô thị hóa là một trong những đòn bẩy quan trọng giúp thị trường bất động sản Bình Dương luôn giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng, đặc biệt là tại các địa phương sắp lên thành phố trực thuộc tỉnh như thị xã Bến Cát. Bên cạnh đó, bất động sản Bến Cát còn hưởng lợi trực tiếp từ dự án Vành đai 4 TP. HCM và cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Có thể bạn quan tâm: