Bình Dương năm 2023 năm đầu tư cho hạ tầng trong đó có nhà ở xã hội
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu năm 2023 là năm ưu tiên đầu tư trọng điểm cho hạ tầng, đô thị, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng. Cùng với đó, tập trung cho cải cách thủ tục hành chính, chính quyền điện tử; thúc đẩy tăng trưởng mới trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển thông minh… lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm.
Đó là những chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.
Bình Dương tiếp nối thực hiện các mục tiêu phát triển trong năm mới 2023 như thế nào, thưa đồng chí?
Năm 2023 là năm bản lề, năm có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chúng tôi kỳ vọng về sự phát triển trong năm 2023 là rất lớn, tuy nhiên dự báo thời gian tới, kinh tế thế giới nói riêng và tình hình quốc tế nói chung sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến quá trình phát triển của tỉnh.
Năm 2023, tỉnh ưu tiên tập trung cho đầu tư hạ tầng, đô thị, nhất là hệ thống giao thông trọng điểm kết nối vùng. Cùng với đó, chú trọng đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng mới trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ... triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp giữ vững ổn định sản xuất; đồng thời tổ chức tái cơ cấu theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0… Khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ hình thành vùng đổi mới sáng tạo, phát triển phong trào khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế; đầu tư phát triển văn hóa-xã hội tương xứng với phát triển kinh tế; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng công nhân lao động... Giữ vững tình hình an ninh, trật tự, nhất là an ninh kinh tế; tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng.
Về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác tư tưởng chính trị, để cán bộ, đảng viên vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo thông báo kết luận số 16 của Bộ Chính trị và có các chính sách cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống tham nhũng tiêu cực…
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 24 phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Vậy Bình Dương tranh thủ thời cơ và chiến lược thực hiện Nghị quyết này để nâng tầm phát triển như thế nào cho những năm tới, thưa đồng chí?
Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm chung là tỉnh Bình Dương phát triển phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch vùng và quốc gia; bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Một trong những cơ sở rất quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho Bình Dương trong những năm tới là Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết 24 đã xác định mục tiêu, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Trong đó, đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cụ thể, xác định Tiểu vùng trung tâm gồm Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng.
Quy hoạch lần này của Bình Dương sẽ kế thừa những thành tựu trước đây; tiếp tục khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển và lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là phải nắm chắc các cơ hội phát triển nhanh từ Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, để phấn đấu phát triển lên nấc thang mới.
Một trong những chiến lược quan trọng của Bình Dương là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng đi qua địa bàn tỉnh. Từng bước tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa công nghiệp và dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 trên 10%; đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 ngàn USD, và tiếp tục duy trì trong nhóm các địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương tập trung toàn lực cho đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến năm 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt. Trọng tâm là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép và tuyến Metro từ Suối Tiên về Trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong vùng và khu vực. Chú trọng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động… Phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương có đủ điều kiện trở thành một đô thị thông minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh. Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cạnh tranh vượt trội, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Quy hoạch và phát triển các trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm thể dục, thể thao đạt chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế; đồng thời tiếp tục tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của Bình Dương trong giai đoạn mới.
Tựu chung lại, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành một Trung tâm Công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và trở thành một đô thị thông minh, văn minh, nghĩa tình, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên tầm cao mới, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và đất nước.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Có thể bạn quan tâm: