Thị trường bất động sản bước vào "kỷ nguyên mới"
Ba Luật mới có hiệu lực sớm hơn 5 tháng giúp thị trường bất động sản hoàn thiện hành lang pháp lý và mở ra chu kỳ phát triển mới theo hướng bền vững hơn.
Quyết liệt gỡ vướng, đưa thị trường vào chu kỳ mới
Thị trường bất động sản quý III/2024 đã có sự phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn, nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - TS. Nguyễn Văn Đính, việc "ấn nút có hiệu lực" Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 từ ngày 1.8.2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đó như một tuyên bố chính thức cho "kỷ nguyên" mới của thị trường bất động sản Việt Nam.
Đặc biệt, điều này đã góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản và mở ra chu kỳ mới cho thị trường theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
"Hàng loạt các Thông tư, Nghị định được ban hành một cách dồn dập giúp hành lang pháp lý bất động sản trở nên hoàn thiện hơn. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, các cơ quan ban ngành trong mục tiêu giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, cho thị trường bất động sản tiến vào chu kỳ mới.
Cả hệ thống, từ cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội chuyên nghiệp, doanh nghiệp, môi giới bất động sản đều "chạy đua" với các chương trình phổ biến, đào tạo kiến thức pháp luật mới. Đặc biệt, có sự tham gia của một số ngân hàng trong việc nỗ lực bám sát sự chuyển động của thị trường trong cả thực tiễn và lý luận" - ông Đính cho hay.
Theo vị chuyên gia này, thị trường vẫn cần thời gian để ngấm và hấp thụ hành lang pháp lý mới. Tuy nhiên, sự chủ động vào cuộc của tất cả các chủ thể là một tín hiệu đáng mừng.
Mặt bằng giá nhà ở tiếp tục “neo" ở mức cao
Trong quý III/2024, thị trường bất động sản nhà ở tiếp tục ghi nhận nguồn cung đạt mức 22.412 sản phẩm được chào bán trên thị trường, với khoảng 14.750 sản phẩm mở bán mới, giảm 25% so với quý trước, nhưng đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù có sự sụt giảm về số lượng theo thống kê, nhưng nguồn cung quý III/2024 vẫn cho thấy sự tăng trưởng khi xuất hiện một số dự án mới.
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng VARs IRE, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận 38.797 sản phẩm mới được chào bán. Nguồn cung vẫn ghi nhận sự phân hóa mạnh. Theo đó, 70% nguồn cung mới đến từ phân khúc căn hộ chung cư.
Trong đó, các sản phẩm có giá bán trên 50 triệu đồng/m2 trở lên chiếm phần áp đảo. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân.
Theo vị chuyên gia này, mặt bằng giá nhà ở tiếp tục “neo" ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhất là tại phân khúc căn hộ. Bởi tình trạng mất cân đối cung cầu đang ngày càng nghiêm trọng do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khó đáp ứng đủ nhu cầu.
Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Trong quý III/2024, mặt bằng giá sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi nguồn cung đã và đang dần được cải thiện. Các dự án mới, từ sản phẩm thấp tầng đến cao tầng, chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, vẫn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường.
Điều này đã tạo ra động lực dẫn dắt mặt bằng giá căn hộ thứ cấp giữ ở mức cao, mặc dù thanh khoản đã dần ổn định sau giai đoạn tăng trưởng "nóng".
Theo VARS, tính đến quý III/2024, giá bán trung bình của cụm mẫu dự án ở TP. Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu VNĐ/m2, tăng 64,0% so với quý II/2019. Giá bán bình quân cụm mẫu dự án ở TP. HCM tăng từ 49,2 triệu đồng/m2 lên 64,2 triệu đồng/m2, phản ánh mức tăng 30,6% so với kỳ gốc. Tại Đà Nẵng, chỉ số giá thị trường Đà Nẵng cho thấy mức tăng 46,2% trong quý III, cao hơn mức tăng của TP. HCM.
Có thể bạn quan tâm: