Những căn cứ quan trọng để xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024

TTĐT - UBND tỉnh Bình Dương vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân (từ ngày 01/10/2019 đến 30/10/2019) đối với dự thảo Nghị quyết về việc ban hành quy định Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024, sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm sắp tới.  Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử tỉnh giới thiệu thêm những căn cứ quan trọng và các phương án đã đưa ra trong xây dựng dự thảo Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024.


Dự báo biến động giá đất trên thị trường

Thực tế cho thấy, bảng giá đất định kỳ được ban hành và điều chỉnh qua các năm đã phản ánh tương đối phù hợp với biến động của giá đất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, giá đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những biến động nhất định cũng như phát sinh thêm một số bất cập; bảng giá một số loại đất, vị trí còn chưa phù hợp tình hình thực tế của địa phương do khung giá đất nông nghiệp còn thấp, đặc biệt áp dụng cho khu vực đô thị, dân cư, khu vực có kinh tế - xã hội phát triển; một số tuyến đường mới vừa được đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt tên mới chưa được bổ sung trong Bảng giá các loại đất…nên cần phải xem xét điều chỉnh, cập nhật bổ sung cho phù hợp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, dự báo trong giai đoạn 2020-2024, biến động giá đất nông nghiệp khu vực phía Nam sẽ không nhiều, vẫn giữ ổn định như hiện nay. Nguyên nhân do đất nông nghiệp các thị xã, thành phố ở khu vực phía Nam đa phần đã quy hoạch vào mục đích phi nông nghiệp từ kỳ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 nên chu kỳ lập quy hoạch sử dụng đất tiếp theo sẽ không ảnh hưởng nhiều đến biến động giá đất nông nghiệp ở khu vực này. Quỹ đất  nông nghiệp khu vực phía Nam hiện nay chủ yếu xen kẽ trong khu dân cư, dọc các tuyến đường mà dân cư ổn định, hoạt động kinh doanh phát triển, có khả năng chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà ở… Mức giá đất hiện nay tương đối cao nên giá đất nông nghiệp khu vực này khó khả năng tăng mạnh trong thời gian tới và thậm chí những thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn, không thuộc các tuyến đường đủ điều kiện tách thửa giá đất có thể giảm hoặc chỉ giữ ổn định so với hiện nay do ảnh hưởng bởi quy định về chia tách thửa ở địa phương ngày càng chặt chẽ.

 

Dự báo trong giai đoạn 2020-2024, biến động giá đất nông nghiệp khu vực phía Nam sẽ không nhiều

Từ năm 2016 đến nay, giá đất khu vực phía Bắc liên tục tăng và đã thiết lập mặt bằng giá đất mới cao hơn so với năm 2015 tương đối nhiều do tác động của hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ khu vực phía Nam lên phía Bắc, nhiều dự án sản xuất đầu tư mới ở khu vực phía Bắc, đầu tư các tuyến đường Tạo lực để kết nối với khu vực phía Nam cũng như việc quy hoạch thêm mới, mở rộng các khu, cụm công nghiệp ở khu vực này. Dự báo giai đoạn 05 năm tiếp theo, giá đất khu vực này, đặc biệt là đất nông nghiệp quy hoạch vào mục đích phi nông nghiệp tiếp tục tăng do nhu cầu nhà ở để phục vụ dân cư hoạt động ở các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp... nhưng chỉ ở mức độ vừa phải do mức giá đất các năm vừa qua đã tăng một mức đáng kể.

Riêng giá đất các nông, lâm trường do tác động của việc tăng giá đất nông nghiệp ở khu vực xung quanh cũng như việc dự báo tình hình ngành sản xuất, tiêu thụ cao su sẽ giữ ổn định trong thời gian tới và sẽ từng bước phục hồi khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại nên giá giá đất sẽ có xu hướng giữ ổn định và có thể tăng nhẹ sau khoảng 2 đến 3 năm tới.

Đất ở tại đô thị hiện nay do nguồn cung đã vượt nhu cầu thực tế, mức giá đất tương đối cao, đang có xu hướng người dân lựa chọn mua nhà ở chung cư thay vì mua đất ở với giá cao. Do đó, dự báo trong thời gian tới giá đất ở tại đô thị khó có khả năng tăng mạnh như các năm gần đây.

Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từng bước đưa tỉnh Bình Dương trở thành một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%, lấy trung tâm phát triển là khu vực Trung tâm Hành chính tỉnh. Với định hướng và tiềm năng phát triển như trên, dự báo trong thời gian tới khi mức độ phát triển đô thị ở khu vực này ngày càng tăng sẽ kéo theo giá đất khu vực này tăng theo, đặc biệt là các xã đã được thông qua đề án nâng cấp lên thành phường.

Đến năm 2020, tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng, tập trung chuyển đổi công năng các khu công nghiệp ở khu vực phía Nam và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao ở phía Bắc; dịch vụ phát triển theo hướng phục vụ cho phát triển công nghiệp; phát triển các trung tâm thương mại cấp khu vực tại thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Dĩ An, phát triển các trung tâm thương mại cấp huyện phục vụ các khu công nghiệp.

Với định hướng như trên thì dự báo giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khu vực thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An và Dĩ An sẽ tăng mạnh do tác động mạnh từ nguồn cung hạn chế, việc chuyển nhượng để chuyển đổi công năng cũng như mục đích sử dụng sang đất thương mại và đất ở.

Riêng đối với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khu vực thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và 04 huyện phía Bắc do các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được mở rộng, thành lập mới, quy hoạch thêm diện tích đất sản xuất kinh doanh, đất công nghiệp dẫn đến nguồn cung được bổ sung dồi dào, đồng thời giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khu vực này thời gian qua tăng tương đối cao…do đó dự báo biến động giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khu vực này không lớn.

Dự kiến điều chỉnh giá đất bằng 80% so với giá thị trường

Từ kết quả tổng hợp giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường năm 2019, kết quả so sánh giá đất do UBND tỉnh quy định với giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường, tình hình áp dụng Bảng giá các loại đất giai đoạn 2015 - 2019, dự báo biến động về giá các loại đất đến năm 2024, các góp ý của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, dự thảo Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh đưa ra 03 phương án xây dựng giá các loại đất giai đoạn 2020 - 2024. Phương án 1: Giữ nguyên giá đất như hiện hành, chỉ điều chỉnh giá đất thị xã Thuận An và Dĩ An tăng từ 10% - 15% so với bảng giá đất hiện hành và điều chỉnh giá đất một số vị trí cho hợp lý (tương ứng bằng bình quân 50% so với giá đất phổ biến trên thị trường). Phương án 2: Điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo Hệ số điều chỉnh giá đất K năm 2019 (tăng bình quân 35% so với bảng giá đất hiện hành và bằng bình quân 65% so với giá đất phổ biến trên thị trường). Phương án 3: Điều chỉnh giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo quy định tại Điều 112 của Luật Đất đai (tăng bình quân 70% so với bảng giá đất hiện hành và bằng bình quân 80% so với giá đất phổ biến trên thị trường).

Trên cơ sở so sánh và phân tích những ưu điểm và hạn chế của ba phương án trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất lựa chọn phương án 3 là phương án đảm bảo việc xây dựng Bảng giá các loại đất đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, thành phố Thủ Dầu Một tăng bình quân 50% so với bảng giá đất hiện hành; thị xã Thuận An và thị xã Dĩ An tăng bình quân 95% so với bảng giá đất hiện hành; thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên tăng bình quân 60% so với bảng giá đất hiện hành; huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80% so với bảng giá đất hiện hành; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 45% so với bảng giá đất hiện hành.

 

Dự kiến, các tuyến đường thuộc thành phố Thủ Dầu Một giá đất tăng bình quân 50% so với bảng giá đất hiện hành

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh theo phương án này đảm bảo tính pháp lý về xây dựng Bảng giá các loại đất theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành là xây dựng bảng giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Tiếp tục khắc phục những điểm chưa phù hợp được phát hiện qua kết quả điều tra, khảo sát giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường và trong quá trình thực hiện, áp dụng bảng giá đất. Giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ các khoản thu về đất như lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản… và tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Đối với công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sau này; xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giữa giá đất bồi thường và nghĩa vụ tài chính…tránh việc khiếu nại, khiếu kiện và thanh, kiểm tra trong thời gian qua.

Việc tăng giá đất, nhất là tại khu vực đô thị sẽ góp phần giãn dân ra khu vực ngoại thành, vì giá đất tăng sẽ tạo áp lực tài chính lên đền bù giải phóng mặt bằng đối với nhiều doanh nghiệp, dẫn đến lựa chọn các địa điểm đầu tư xa trung tâm để triển khai dự án thuận lợi hơn, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở những khu vực đó. Giúp các chủ thể sử dụng đất có thể ước tính được chi phí về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước khi thực hiện dự án đầu tư, giúp các chủ đầu tư hạn chế các rủi ro trong quá trình đầu tư và tạo môi trường đầu tư lành mạnh.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định chung liên quan đến áp dụng bảng giá các loại đất. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh như: Phân loại vị trí; sửa đổi quy định cách xác định giá đất một số loại đất có thời hạn sử dụng đất lâu dài; bãi bỏ quy định về xử lý giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố tại Khoản 1 Điều 2 quy định kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND. Bổ sung và thay đổi một số đoạn, tuyến đường tại các phụ lục kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND. Cụ thể, thêm 27 đoạn, tuyến; nâng hệ số 45 tuyến; giảm hệ số 02 tuyến; nâng loại đường 5 tuyến; đính chính, đổi tên đường 21 tuyến; điều chỉnh điểm đầu, điểm cuối 5 tuyến.

Báo Bình Dương
Chưa có đánh giá

Có thể bạn quan tâm:

dia oc nhat vietnhat vietdia oc

DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN

NHẬN TƯ VẤN DỰ ÁN

Bạn cần thông tin về dự án, vui lòng để lại thông tin chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết.